Lịch sử phường Chiềng Lề

     Phường Chiềng Lề thuộc thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La, phía Đông Bắc, Tây Bắc giáp phường Chiềng An, Phía Tây giáp xã Chiềng Cọ,  phía nam giáp phường Tô Hiệu.

     Vùng đất Chiềng Lề hình thành từ lâu đời. Trải qua các thời kỳ xây dựng và phát triển, địa giới hành chính phường Chiềng Lề có nhiều thay đổi. 

    Năm 1397, dưới triều Trần (tỉnh Sơn La bây giờ) nằm trong trấn Thiên Hưng Đồng bào các dân tộc anh em chung lưng đấu cật khai sơn phá thạch, đã dựng nên các châu mường như: Mường Muổi, Mường Cây (Quỳnh Nhai), Mường Tấc, Mường Sang... Mường La (Châu Sơn La) lúc bấy giờ thuộc Châu Mường Muổi. Mường La có 5 mường phìa: Chiềng An (Chiềng Nghiêm), Mường Bú ( Chiềng Biên), Mường Chùm, Mường Trai, Mường Chiến. 

    Vào thế kỷ XV, dưới thời thủ lĩnh Bun Pành, Mường La tách thành một châu mường riêng. Thế kỷ XVIII, Châu Mường La có ảnh hưởng lớn khắp 16 châu Thái vùng Tây Bắc. Lúc này, Mường La thuộc tỉnh Hưng Hóa, Châu lỵ đóng ở Chiềng An. Mường La có hai cánh đồng rộng lớn; cánh đồng Chiềng Cằm (Chiềng Kăm) gồm có 6 bản: bản Giảng, bản Lắc, bản Nà Coóng, bản Chậu, bản Pột, bản Ban; cánh đồng Chiềng An có 4 bản: bản Hài, bản Cọ, bản Lầu và bản Họ. Theo bản chuyên khảo của Sevenier - Công sứ tỉnh Vạn Bú công bố ngày 30 tháng 9 năm 1901: Tổng Chiềng La gồm có 47 bản, bản có số hộ dông nhất là bản Cọ (19 hộ), Bản Lầu (13 hộ), những bản còn lại chủ yếu có từ 1 đến 7 hộ; bản họ có 2 hộ.

    Địa hình hành chính chủ yếu của phường Chiềng Lề ngày nay chủ yến nằm trong địa phận của các bản: Bản Lầu, bản Họ, bản Cọ thuộc cánh đồng Chiềng An xưa.

    Phường Chiềng Lề ra đời cùng với quá trình hình thành và phát triển của chợ Chiêng Le xưa. Sau khi đã cơ bản bình định được vùng Tây Bắc, ngày 10.10.1895, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuyển Tiểu quân khu Vạn Bú thuộc đạo Quan binh thứ 4- là vùng đất quân quản sang chế độ dân sự, do viên thiếu tá Norminot làm phái viên chính phủ bảo hộ tại Vạn Bú với cương vị là quan chủ tỉnh đầu tiên. Việc chuyển sang chế dộ dân sự, ngày 10.10.1895 trở thành thời điểm tỉnh Vạn Bú ra đời tại bản Pá Giạng, tổng Hiếu Trai, Mường La.

    Ngày 7.4.1904 toàn quyền Đông dương ra Nghị định chuyển trụ sở hành chính của tỉnh Vạn Bú về Sơn La - nơi "cách bờ sông Đà 30km, an toàn, có khí hậu mát mẻ, nhiệt độ không bao giờ vượt quá 300C". Từ tháng 9.1905, việc di dời về xây dựng trụ sở hành  chính của chính quyền thực dân bắt đầu được tiến hành trên đồi Khau Cả. Ngày 23.8.1904, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định đổi tên tỉnh Vạn Bú thành tỉnh Sơn La. Việc chuyển tỉnh lỵ về Sơn La và quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng của tỉnh lỵ có liên quan mật thiết tới sự ra đời của phuờng Chiềng Lề hôm nay.

    Theo nhân dân địa phương, Chiềng Lề là tên gọi đồi Chiêng Le (tiếng Thái gọi là Pom Chiêng Le, sau này gọi là đồi Châu, gần sát với đồi Khau Cả (Pom Khau Ca). Sau khi chuyển trụ sở tỉnh lỵ từ Vạn Bú về đóng trên đồi Khau Cả, thực dân Pháp bắt đẩu xây dựng kết cấu hạ tầng như mở đường, chợ, trường học, nhà tù… nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, chính sách khai thác, bóc lột và đàn áp của chúng. Khu chợ bắt đầu được xây dựng ở chân đồi Chiêng Le và từng bước phát triển. Khu chợ này chủ yếu do các tiểu thương người Hoa và tiểu thương người Kinh từ Vạn Bú và các nơi đến buôn bán, định cư xung quanh chợ. Theo thời gian, khu chợ và khu dân cư ngày một phát triển, mở rộng. Do nhu cầu đời sống, được chính quyền thực dân cho phép, các hoạt động buôn bán khu vực chợ từng bước phát triển, trở nên nhộn nhịp, tấp nập, mở rộng, thu hút các dân tộc trong bản gần, mường xa đến buôn bán, trao đổi các mặt hàng nông lâm sản. Khi các tiểu thương người Kinh, người Hoa... những người biết buôn bán, quen với phố, phường từ các nơi lên, nhận thấy cảnh buôn bán, trao đổi tấp  nập ở đây (như phố, phường ở miền xuôi) nên đã gọi khu buôn bán này là phố Chiềng Lề (có thể do gọi theo tiếng Việt mà từ Chiêng Le ra Chiềng Lề). Tên gọi chợ,  phố Chiềng Lề từ đó ra đời và dần dần trở thành tên thường gọi, chỉ địa bàn cư trú mới hình thành này…

     Từ năm 1945, những cán bộ Việt Minh lên Sơn La đã nhận thấy: “Chiềng Lề giữ vị trí của một thị trấn, nằm gọn dưới chân đồi Khau Cả, là nơi đóng các công sở bộ máy cai trị của thực dân Pháp tại Sơn La; hai dãy phố không dài, có chợ Chiềng Lề  họp trong ngôi nhà xây bằng gạch, lợp ngói khá rộng, là trung tâm buôn bán nhỏ. Dân số phần lớn tiểu thương người Hoa kiều, còn lại là các gia đình công chức và đồng bào người Kinh từ dưới xuôi lên buôn bán. Quản lý cư trú của người Hoa kiều đứng đầu là một Bang trưởng. Khu đồng bào người Kinh, đứng đầu là một Trưởng phố. Đồng bào người địa phương chỉ có một bản nhỏ, khoảng trên 10 nóc nhà ở ven chân núi, là bản Họ”.

      Ngày 26.10.1961, theo Quyết định 173-CP của Hội đồng Chính phủ, thị xã Sơn La - thị xã đầu tiên của míền Tây Bắc thành lập. Thị trấn Chiềng Lề được thành lập, thuộc thị xã Sơn La. Từ đây Chiềng Lề trở thành đơn vị hành chính của tỉnh Sơn La. Từ ngày 3.1.1981, theo Quyết định số 3 - CP của Hội đổng Chính phủ, thị trấn Chiềng Lề được đối tên gọi thành phường Chiềng Lề.

    Để đáp ứng yêu cầu phát triển, ngày 16.5.1998, Chính phủ ra Nghị định số 30/NĐ-CP thành lập mới phường Tô Hiệu tách ra từ phường Chiềng Lề. Lúc này, phường Chiềng Lề có 11 tổ dân phố, 1 bản thuần nông nghiệp. Trải qua quá trình hình thành, từ khi tỉnh Sơn La được thành lập, Chiềng Lề luôn là khu dân cư đông đúc, sinh sống đoàn kểt... là trung tâm chính trị, kinh tế của tỉnh Sơn La và thị xã Sơn La, nay là thành phố Sơn La. Phường Chiềng Lề hôm nay đã có bước phát triển vượt bậc, hiện hữu với một bức tranh phố xá tấp nập, những dãy nhà cao tầng, khu dân cư đông đúc; đường giao thông nội thành, tổ, bản được chỉnh trang, nâng cấp và bê tông hoá. Đường, phố được đặt tên, thuận lợi cho công tác quản lý... Hiện, phường Chiềng Lề có 12 tổ, 1 bản với  trên 10 nghìn dân.





 



CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHƯỜNG CHIỀNG LỀ

Chịu trách nhiệm nội dung: Ban Biên tập Cổng thông tin điện tử Phường Chiềng Lề
 
Địa chỉ: khu đô thị SHINING CITY Sơn La, Tổ 1 phường Chiềng Lề, Thành phố Sơn La, Tỉnh Sơn La
 
SĐT: 02123.852941